17 thg 11, 2011

Ngành nghề sẽ biến thể sau cơn bão

November 14, 2011 By  

Tôi thành thực xin lỗi các bạn dự video conference ngày 13/11/2011. Vì sự tham dự quá đông vượt dự kiến, đường truyền chúng tôi đã bị sự cố và tạo nhiều đứt đoạn. Một bạn hữu phê bình là chúng tôi làm việc cứ như các ông quan chức mà Alan vẫn chế nhạo. Gậy ông đập lưng ông luôn là bài học của khiêm tốn.

Chúng tôi đã ghi chép lại nội dung buổi nói chuyện và phần trả lời câu hỏi. Bài nói chuyện đã được đăng trên tuanvietnam của báo vietnamnet.
NGÀNH NGHỀ SẼ BIẾN THỂ SAU CƠN BÃO
Gần đây, một chuyên gia có giấy phép của chánh phủ long trọng tuyên đoán là những chánh sách hiện nay của chánh phủ sẽ giải quyết các khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam như lạm phát, tỷ giá, nợ xấu ngân hàng, bội chi, FDI…trễ lắm là trước Quý 2 năm 2012. Nhiều bạn bè tôi nghe xong, mở champagne, hát quốc ca và chờ đợi. Dù sao, 7,8 tháng chỉ là một khoảnh thời gian ngắn ngủi trong đời doanh nghiệp.
Dĩ nhiên, tôi không kiếm được đồng nào trong các phân tích nhận định nên tôi chưa ca hát lạc quan như vậy. Tôi cứ nghĩ tháng 6 năm 2012 có thể là tâm điểm của trận bão kinh tế năm Thìn. Lý do đơn giản theo ước tính bình thường của một doanh nhân quê mùa là khi cung tiền tiếp tục tăng vì cần “kích cầu” để cứu ngân hàng và các dự án siêu khủng, khi thói quen cho rác rưởi xuông thảm để che đậy không thể bỏ được, và khi thế giới bên ngoài lại bấp bênh con tàu vì nợ công, tư…thì các vấn đề nói trên vẫn tồn tại và xấu đi. Nói tóm lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả gì chúng ta đang nhận. Thực sự, nền kinh tế giống như một máy tính, cho rác đầu vào thì vẫn là rác ở đầu ra (garbage in, garbage out).
Tôi cho rằng cơn bão năm Thìn đang tập trung cường độ và ảnh hưởng của trận bão chỉ có thể nhìn thấy được vào cuối 2012. Nếu cơn bão đến, thì đây là những ngành nghề sẽ phải thay đổi và biến dạng từ căn cơ.
Bất Động Sản
Giá cả sẽ phải xuống theo trọng lực của hai yếu tố thị trường: thu nhập của người dân và lượng tiền đầu cơ thứ cấp. Người dư dả tiền bạc đã mua nhà xong, người nghèo sẽ nghèo thêm với lạm phát, nhà đầu cơ với tiền nhàn rỗi không còn nhiều…kinh doanh bất động sản sẽ qua chu kỳ suy thoái giống như tại Âu Mỹ các năm vừa qua. Nhân công thất nghiệp sẽ quay về quê để mưu sinh hay tạm trú, nhu cầu nhà thuê cũng sẽ giảm sút trầm trọng. Phân khúc thương mại, văn phòng và nghĩ dưỡng cũng sẽ chịu áp lực xấu từ nền kinh tế khập khễnh.
Thực tình, về mặt xã hội thì đây là một thay đổi tich cực. Người tiêu thụ sẽ có cơ hội mua căn nhà mong ước với giá phải chăng hơn và tình trạng đầu cơ, làm cò địa ốc để kiếm tiền nhanh sẽ giảm thiểu rất nhiều. Tiền nhàn rổi sẽ đầu tư vào những phân khúc có hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Ngân Hàng
Được sự chống lưng của nhà nước để tránh bất ổn xã hội, cổ đông các ngân hàng sẽ an toàn với vốn đầu tư. Nhiều sát nhập bằng súng (shotgun marriage) sẽ xẩy ra, nhưng bức tranh toàn cảnh sẽ không thay đổi nhiều. Cho một vài anh bệnh ở chung với một anh mạnh khỏe thì virus có thể lan tràn tệ hơn, nhưng nợ xấu không thể biến mất như các trò ảo thuật. Quản trị địa phương sẽ gặp nhiều vấn đề không giải quyết nổi do thiếu kinh nghiệm và vốn liếng; do đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ được mời chào làm cổ đông chiến lược cũng như được mua lại các đơn vị tư nhân làm bàn đạp cho chương trình phát triển thị trường.
Về lâu dài, sự hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ đem lại những thay đổi lớn không những về mặt tiếp thị, hậu mãi cho khách hàng; nhưng qua các hoạt động hàng ngày, nhóm quản trị mới sẽ áp lực để thay đổi điều lệ và sự kiểm soát từ chánh phủ; khiến bộ máy điều hành ngành tín dụng thiết yếu cho tài chánh quốc gia trở nên hiện đại và hiệu quả hơn.
Chứng Khoán
Với cơn bão, chứng khoán sẽ chạm đáy vào cuối năm 2012. Đây là thời điểm để các nhà đầu tư còn tiền gỡ gạc lại các mất mát mấy năm vừa qua. Nhưng sự hồi phục đúng nghĩa đề qua một chu kỷ mới phải kéo dài hơn 2 năm. Trong khi đó, những công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư sẽ phải trình làng nhiều sản phẩm tài chánh sáng tạo và hiệu quả hơn. Chánh phủ cũng phải cho phép những hoạt động mà từ trước đến giờ, họ vẫn coi là một hình thức cờ bạc. Tôi muôn nói đến các hợp đồng ngoại hối và nguyên liệu, cũng như phương thức bán khống (short).
Với sự mở rộng từ căn bản điều hành, trái phiếu và hợp đồng tài chánh của Việt Nam sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường quốc tế, đem lại nguồn vốn mới cần thiết cho doanh nghiệp trong nước.
Vàng Bạc Nữ Trang
Với chánh sách “góp vốn từ dân” qua kênh vàng và dollar, chánh phủ sẽ truy bắt những người còn kinh doanh hay lưu trữ hai sản phẩm này. Nhiều tiệm vàng tư nhân sẽ bị đóng cửa vì chỉ giao dịch nữ trang thuần túy sẽ không đem đủ lợi nhuận và khách hàng. Tuy vậy, với giá thị trường quốc tế xấp xỉ $2,500 một ounce vào cuối 2012 theo tiên đoán của nhiều chuyên gia vàng, các hoạt động ngoài luồng sẽ gây nhiều biến động cho tỷ giá, lạm phát và nợ xấu. Cuối cùng, chánh phủ sẽ phải đối diện với lựa chọn, hoặc trở lại nền kinh tế chỉ huy chặt chẽ kiểu Bắc Triều Tiên, hoặc mở cửa lại và để thị trường tự điều chỉnh.
“Cò” Quan Hệ
Đây là một ngành nghề làm ăn rất khả quan và chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP ngầm. Vì tiền kiếm được khá dễ dàng, không cần đầu tư hay chịu rủi ro, các vị làm ăn theo mô hình kinh doanh này là những cư dân tiêu xài rộng rãi và khách xộp của các cơ sở giải trí, du lịch và hàng hiệu. Họ cũng là nhóm đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi và tạo nhiều đầu tư quan trọng trong các ngành nghề. Sự đóng góp của họ vào nền kinh tế thường lớn lao hơn ước định.
Tuy nhiên, khi nguồn tài trợ từ các nước ngòai giảm thiểu, các dự án và ngân sách phải sụt giảm theo vì thiếu ngoại hối. Một co sụt chừng 20% sẽ khiến nhiều “cò” nhỏ bé thất nghiệp và gây khó khăn cho kỹ nghệ phục vụ đại gia. Những chương trình khuyến mãi liên tục hay “mua chung” sẽ biến Việt Nam thành một thiên đường cho du khách Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Trên cùng bình diện, các ngành nghề liên quan đến 5 lĩnh vực kinh doanh nói trên sẽ chịu ảnh hưởng xấu theo. Ngành xây dựng và vật liệu sẽ suy thoái theo bất động sản; các ngành nghề tài chánh sẽ bớt đầu tư vào công nghệ thiết bị mới gây ảnh hưởng xấu cho IT nội địa; việc cấm vàng và dollar sẽ tạo một tâm lý bất ổn chung cho các cơ sở xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, những ngành nghề ít bị ảnh hưởng nhất là y tế, giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông hải sản và sản phẩm tiêu dùng cần yếu.
Thực ra, trận bão năm Thìn sẽ không thay đổi nhiều mức sống của đại đa số người dân bao nhiêu. Phần lớn phải thắt lưng buộc bụng kỹ hơn vì suy thoái và lạm phát; nhưng sau bao cơn khủng hoảng và chiến tranh mấy chục năm qua, kỹ năng sinh tồn đã được tôi luyện để biến con người Việt thành siêu nhân về sức chịu đựng.
Dù vậy, trong trường hợp này, tôi hy vọng là tôi sai và nền kinh tế Việt sẽ chạy ngon ơ với tăng trưởng GDP hai số như chuyên gia chánh phủ đã “”nghị quyết”. Nếu quả vậy, đây là một phép lạ, ngược với mọi định luật thiên nhiên mà tôi đã học. Bởi vì người Việt ta có lẽ cần cầu nguyện cho một phép lạ ở giờ thứ 25.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
11 Nov 2011
Bài đăng trên tuanvietnam ngày 15/11/2011
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
HỎI & ĐÁP trong VIDEO CONFERENCE
Ngày 13 Tháng 11 Năm 2011
Câu 1: Thưa tiến sĩ, năm 2012 tiếp tục là một năm khó khăn, như vậy người dân muốn đảm bảo tài sản của mình thì nên chuyển kênh đầu tư gì?
Đầu tư là một hoạt động tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố cá nhân. Mục tiêu, khung thời gian, nhu cầu, tỷ lệ rủi ro chấp nhận được, sự đánh giá tình hình vĩ mô… là những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định. Trong môi trường Việt Nam cho 2012, theo tổng quan của tôi, các kênh như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, ngoại hối… sẽ có nhiều biến động và thay đổi.
Câu 2: Có nên sử dụng đòn bẩy trong đầu tư vàng hiện nay? Làm sao đánh giá đòn bẩy là tốt hay xấu?
Đòn bẫy là một vũ khí rất sắc bén. Sử dụng đúng lúc đúng cách sẽ đem lại một lợi nhuận khổng lồ cho vốn đầu tư. Trái lại, nó là một cái bẫy đã đưa bao nhiêu doanh gia xuông đáy thẳm. Tôi sợ đòn bẫy nên không dùng nó. Cần tránh xa nếu không kiểm soát nổi tình hình.
Câu 3: Tiến sĩ có thể tư vấn về các biện pháp phòng thủ để chống lại cơn bão năm nay dành cho DN mới? Trong tình cảnh hiện nay, lối thoát nào cho các DN thiếu vốn và chi phí.
Doanh nghiệp mới hay cũ, trước khi cơn bão đến, nên có một định giá thật trung thực SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, rủi ro) của mình và công ty mình. Dựa trên SWOT, lập ra một chiến lươc rõ rang: hoặc phòng thủ chặt chẽ, hoặc tấn công mạnh mẽ, hoặc cuốn chiếu giải thể. Tôn Tử nói,”Kết quả trận chiến đã được quyết định trước phát súng khai hỏa đầu tiên.”
Câu 4: Trong trường hợp Trung Quốc bị vỡ bong bóng tài sản và rơi vào suy thoái thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Sự suy thoái của Trung Quốc không những ảnh hưởng mạnh đến kinh tế VN mà còn đến cả kinh tế toàn cầu. Chúng ta nhập siêu nhiều từ Trung Quốc cho các món hàng tiêu dung cũng như linh kiện cho hàng xuất khẩu. Tệ nhất là khi Trung Quốc phải thanh lý hàng hóa ào ạt để cạnh tranh (giữ khách hàng cũ và chiếm thị trường mới) tại Âu Mỹ cũng như Á Châu. Họ sẽ gây khó khăn cho mọi nhà sản xuất.
Câu 5: Việc bầu cử tổng thống Mỹ, Nga, Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến khủng hoảng 2012 không? Mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình, hay ông Putin hay một ông Tổng Thống Mỹ mới (nếu đảng Cộng Hòa thắng cử) sẽ không thay đổi nhiều chánh sách kinh tế hay đối ngoại của quốc gia họ. Tuy vậy, sự sụp đổ vài ngân hàng lớn trên thế giới vì nợ xấu sẽ bắt các ông này lo giải quyết vấn đề nội bộ nhiều hơn, tạo nhiều lỗ trống trên cục diện toàn cầu.
Câu 6: Tiền Euro có tan vỡ không và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới như thế nào?
Mặc cho những ồn ào trên mạng truyền thong về Euro và Liên Âu, sự ra đi của một vài thành viên như Hy Lạp, Ireland hay Tây Ban Nha, Ý… sẽ không ảnh hưởng gì đến kinh tế thế giới hay Việt Nam. Ngay cả nếu Liên Âu giải thể, ngoài việc mất sĩ diện cũng như jobs của các ngài chánh trị gia và quản lý ngân hàng, các quốc gia độc lập của Âu Châu sẽ tiếp tục trả nợ và quỵt nợ và sống thoải mái. Dân Đức sẽ hạnh phúc nhất vì khỏi lo tiền thuế chạy khỏi nước để cứu trợ  cho các dân nghèo của PIGGS và Đông Âu.
Câu 7: Mối tương quan giữa môi trường Dotcom Việt Nam so với Mỹ cách đây 10 năm?
Việt Nam thực sự chưa có một công ty IT nào có giá trị đáng kể, ngoài Vinagames và vài công ty viễn thông lớn nhờ độc quyền do chánh phủ ban cấp. Dotcom ở Mỹ là hiện tượng bong bóng tài sản dựa trên sự bồng bột của các nhà đầu tư (irrational exuberance). Tôi chưa thấy hiện tượng này ở VN.
Câu 8: Chuyên gia kinh tế được trả tiền khi đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế, còn chú Alan làm vì động cơ nào ạ?
Chú nghĩ mình là một con kiến nhỏ, gắng đem lại cho các bạn trẻ một góc nhìn và tư duy khác hơn những gì các cháu đang bị nhồi vào sọ. Chú có thể sai trong phân tích và đánh giá của mình; nhưng thêm một kiến thức mới là thêm một cơ hội để tìm ra sự thật cho chính mình. Động lực của chú có thể đơn giản là trong tuổi già, thay vì ra công viên ngồi cho chim bồ câu ăn bánh mì, chú cho các cháu ăn thêm vài ba cái bánh vẽ của các chính trị gia thế giới.
Câu 9: Ngân hàng VN nhỏ và yếu trong năm 2012 liệu có bị sụp đổ như ở Mỹ không?
Quan chức nhà nước VN đã khẳng định là sẽ không để một ngân hàng nào chết. Người Việt rất dị ứng với đám tang? Như vậy, chúng ta có thể hiểu là chánh phủ sẽ lo trả các nợ xấu của ngân hàng (in thêm tiền vì vay bây giờ cũng khó lắm) và có thể bắt vài anh ngân hàng bệnh hoạn sống chung với các anh mạnh khỏe hơn (không biết virus này có dễ truyền nhiểm?). Ảnh hưởng của việc in tiền để phát chẩn thì ai cũng đoán ra rồi.
Câu 10: Thế giới có nguy cơ rơi vào khủng hoảng kép không? Và nếu có thì ảnh hưởng đến VN như thế nào? Với chính sách các chính phủ trên thế giới như hiện nay thì theo Tiến Sĩ khi nào tình hình kinh tế thế giới mới ổn định hơn?
Theo tôi thì tình trạng hiện tại là một nối dài của cuộc khủng hoảng năm 2008. Ảnh hưởng sẽ tệ hơn vì các chánh phủ đã hết vốn chánh trị để tung thêm các gói kich cầu. Nhưng cũng nhờ vậy, sự suy thoái lần này sẽ qua nhanh hơn, dù sức tàn phá sẽ mạnh hơn. Tôi nghĩ đến 2015, kinh tế toàn cầu sẽ đi vào một chu kỳ mới.
Câu 11: Tình hình tỷ giá VN rất căng thẳng, CP sẽ phải giải quyết như thế nào là tốt nhất? Và liệu VND có giảm giá mạnh?
Tỷ giá chánh thức thì tùy vào chánh phủ. Tỷ giá chợ đen thì do yếu tố thị trường trong đó luật cung cầu là thành tố số một. Các ảnh hưởng khác gồm việc in tiền, lạm phát, bội chi ngân sách, cán cân thương mại, khả năng trả nợ, dự trữ ngoại hối, giá vàng và kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Câu 12: Gần đây World Bank và WEF đều đánh tuột hạng môi trường kinh doanh Việt Nam, Tiến Sĩ có đánh giá như thế nào?
Khi tình trạng vĩ mô xấu đi thì môi trường kinh doanh theo tổng quan cũng sẽ xuống cấp. Tuy nhiên, việc kinh doanh, kiếm tiền là một hoạt động rất cá nhân và chủ quan. Rủi ro cho một doanh nghiệp có thể là một cơ hội cho doanh nhân khác. Tôi vẫn nghĩ lợi thế cạnh tranh và kỹ năng quản trị vẫn là hai yếu tố chính của quyết định kinh doanh, không phải một xếp hạng mơ hồ của các ông chuyên gia trên thế giới.
Câu 13: Thị trường chứng khoán VN năm 2012 sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ đa số giá cổ phiếu sẽ chạm đáy vào cuối năm 2012. Sau đó, những sát nhập và thôn tính của các công ty chứng khoán nước ngoài sẽ đem lại sinh khí mới; cũng như các sản phẩm tài chánh mới. Có lẽ phải đến 2015, chứng khoán mới bắt đầu một chu kỳ mới.
Câu 14: Trong bối cảnh cơn bão kinh tế hiện nay thì khu an toàn của Việt Nam là gì và ngành nào là ngành thế mạnh?
Những ngành nghề ít bị ảnh hưởng nhất trong cơn bão là y tế, giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông hải sản và sản phẩm tiêu dùng cần yếu.
Các ngành nghề sẽ chịu sóng gió lớn của trận bão là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, vàng bạc nữ trang và các ông “cò” quan hệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét