30 thg 6, 2011

Ước mơ tôi ...


Tôi sinh ra và lớn lên Ở một làng quê nghèo, chứng kiến bao nhiêu cái khó, cái khổ của những người nông dân thiếu tiền - cái khốn khó của mọi thời đại. Làng quê ấy, bạn đã gặp đâu đó trong "Sống mòn", "Cố Hương" và rõ nhất trong "Làng Vũ đại ngày ấy". Chỉ vì tiền mà người ta mất hết cả lương tâm, quẫn trí làm liều, gia đình li tán, vì tiền mà bán cả anh em, con cái... Tuy nhỏ nhưng tôi cũng đã hiểu: Nghèo là 1 cái hèn, có tiền thì mới được tôn trọng, mới có thể nói được người khác.

Tôi có máu kinh doanh từ nhỏ.
Học lớp 7, cũng chưa biết rõ ước mơ là gì, chỉ muốn tìm cách tạo ra tiền. Hồi đó, vụ kinh doanh thành công nhất là lấy những món hàng mới về bán trong cái quán nhỏ xíu 4m2. Học trường chuyên trên thị trấn, đối diện trường có 1 cái quán, buôn bán rất phát đạt. Tôi thường lấy lại những thứ bán chạy ở đó, con nít hay mấy đứa bạn tôi bu đông bu đỏ để giành giật nhau mua để mang về quê bán. Có cái thành công, có cái thất bại thảm hại (vì con nít nhà quê làm gì có tiền ). Vụ thành công nhất ở quán phải kể đến vụ tôi ăn theo phim Hoàn châu cách cách 1 - lấy ảnh về bán. Hồi đó, bọn nhóc nhóc tuổi tôi hay thích dán hình ca sĩ diễn viên nổi tiếng.
Lớp 9, nhà ở gần trường. Đến ngày thi tốt nghiệp, phụ huynh thường đến đưa con đi thi kín cả 1 đoạn đường. Tôi cũng tập tọe, tận dụng khoảng sân để mở 1 chỗ cho gửi xe, những tờ card giấy là chữ kí mẹ tôi cắt làm đôi. Cũng đơn giản thế thôi, nhưng nhớ rất rõ sự sung sướng khi buổi tối ngồi đếm được hơn 45,000đ (Hồi đó cả nhà đi chợ chỉ có hơn 10,000 ... cả tháng tích cóp tiền đi chợ của mẹ mỗi ngày 200 cũng được có 60,000). Giá trị lúc đó 1 tháng thuê cái nhà mái bằng trên thị trấn cũng chỉ có 50,000 ). Và tất nhiên tôi hưởng trọn vì tôi tự làm từ đầu đến cuối mà.
Cấp 3, hình như lúc đó cũng chưa có ước mơ thì phải. Chỉ biết là phải học để đi ra xã hội cho bằng bạn bằng bè. Đến lúc chọn ngành thi cũng chỉ biết là sẽ đi Kinh tế - cái nghề dạy để kiếm tiền thôi.
Năm I đại học, lang thang ra tiệm sách cũ. Vớ được cuốn cha giàu cha nghèo... Từ đó, mới hiểu cái ứoc mơ mà mình chưa bao giờ gọi tên đó là :

Ước mơ trở thành 1 doanh nhân thành đạt.


(Doanh nhân theo định nghĩa đơn giản của tôi : Là người có thể tạo ra giá trị cho xã hội chứ không phải là người móc tiền từ túi người này qua người khác)
Có 1 lần đọc bài tạp văn nhận xét về giáo trình trong sách Giáo khoa của Nhật: Đất nước Nhật còn nghèo, trong khi SGK của Việt Nam - 1 đất nước nghèo nàn lạc hậu vì mới thoát khỏi chiến tranh lại luôn dùng từ để ca ngợi đất nước: Non xanh nước biếc như tranh họa đồ, rồi “ Rừng vàng, biển bạc”. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi câu : Đất nước Việt còn nghèo, rất nghèo.
Ngày còn ở quê, cầm túi cafe, nhớ những câu nói đầy tâm huyết của chú Đặng Lê Nguyên Vũ, sự khắc khoải về thói quen của người tiêu dùng Việt: Làm sao để Người Việt Nam dùng hàng Vịêt Nam và tinh thần của những doanh nhân thời kì đổi mới. Vẫn còn đó ám ảnh về câu chuyện về tinh thần dùng hàng nội địa của chàng trai người Hàn Quốc: nhất định không chịu đổi chiếc bút HQ lấy 1 cây bút hàng hiệu của Mỹ và còn khẳng khái nói: Tôi là người HQ nên chỉ dùng đồ của HQ sản xuất. Đó cũng là một dạng khác của tinh thần yêu nước nồng nàn.
Những câu chuyện ấy cứ đeo bám theo tôi suốt những năm tháng ngồi giảng đường.

Ra trường, gần 2 năm nhìn lại vẫn thấy mình tay trắng. Vẫn chỉ biết ái ngại xót xa khi nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, đó là cảnh đập vào mắt ngày qua ngày của những người ăn xin nằm lê lết trên cầu chữ Y, hay những buổi chiều đi làm về chợt thấy ái ngại khi nhìn thấy 1 chú dựng chiếc xe đạp bên lề và ngủ ngon lành giữa dòng người tấp nập, hay cảnh cậu bé bán vé số chợt vui mừng khi lượm được điếu thuốc ai hút dở bỏ lại và lẩm bẩm: Lâu lắm rồi chưa được hút…
Cũng chỉ ái ngại, xót xa rồi dừng ở đó. Vì biết mình chưa đủ sức làm gì…
Tôi cứ loay hoay với bài toán cuộc đời. Nhưng tôi tin vào bí mật của may mắn, tin vào lực hấp dẫn. Và tôi cũng tin người đã trao cho tôi cơ hội để được đứng trong hàng ngũ khởi nghiệp cùng chị. Đó là một may mắn quá lớn và tôi sẽ cố gắng để không phải nuối tiếc vì để may mắn tuột qua một cách dễ dàng. Dẫu những may mắn của cuộc đời giống như 1 nắm cát, nếu cứ nắm thật chặt cho dù cát rơi ra ngoài hết thì cũng sẽ còn lại một chút trong tay.

Tôi xin dừng ở đây vì tôi biết mình chưa thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng tôi biết mình đang trên đường đi đến ước mơ đó. Tôi tin mình sẽ thành công, và để có thể thành công tôi chấp nhận làm những vịêc nhỏ nhất..

Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ ấy, dẫu biết rằng tôi cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác vẫn đang loay hoay tìm một lối để bước đi, vẫn đang loay hoay, khắc khoải trước sự đói nghèo của người dân, sự lạc hậu của nền kinh tế, bế tắc trước sự độc quyền, quan liêu, trì trệ của nền nhà nước. Nhưng tôi có một niềm tin : Nếu cứ tiếp tục bước đi và không bao giờ từ bỏ chắc chắn mình sẽ tìm ra ánh sáng cho cuộc đời.
Vẫn nhớ chia sẻ rất sâu sắc của một người thầy - một mẫu người mà tôi hướng đến khi đã thành 1 doanh nhân, tôi sẽ tiếp tục sẻ chia kiến thức, nhiệt huyết cho những thế hệ sau:
Cuộc đời như một chuyến tàu... Không ai biết trước ga nào mình sẽ đến...

Thân tặng mọi người bài thơ "Phía trước là bầu trời" :

Phía trước là bầu trời rộng lớn
là rủi may là giông gió nổi trôi
Ta bé nhỏ giữa vòng quay định mệnh
Vẫn hằng mong phía trước là bầu trời

...........................
Phía trước là bầu trời rộng mở
Mỗi ngày qua một bước tới tương lai
Gần thêm nữa bàn chân em dẫu mỏi
Vẫn gần hơn: Phía trước là bầu trời
Phía trước là bầu trời
Phía trước
Là tủi hờn, là nứơc mắt
hôm nay
là nụ cười, là hoa, là tất cả…


Ashoka

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét